– Hôi miệng buổi sáng: nước bọt là một loại dịch rất tốt của miệng, có tính sát trùng. Lúc ngủ, nước bọt gần như ngừng chảy, các vi khuẩn trong miệng sinh sôi nảy nở, tạo ra mùi hôi. Ngoài ra, sâu răng, nhiễm trùng niêm mạc miệng… khiến miệng thêm hôi.
– Răng giả, cầu răng hoặc dụng cụ nha khoa khác trong miệng là nơi các vụn thức ăn trôi dạt vào ẩn náu. Những vụn thức ăn ấy sẽ phân hủy, làm mồi cho các vi khuẩn có sẵn trong miệng tạo ra mùi hôi.
– Tuổi tác: khi tuổi càng cao, các tuyến nước bọt trong miệng càng kém, nước bọt ít về lượng, kém về chất nên hơi thở càng dễ có mùi, dù giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách.
– Nhịn đói: người bỏ bữa vì lười ăn hoặc ăn kiêng có nhiều nguy cơ bị hôi miệng vì khi ăn, động tác nhai làm nước bọt tiết ra nhiều, rửa, tiêu diệt bớt vi khuẩn trong miệng, khiến miệng giảm hôi.
– Thức ăn: một số chất từ thức ăn như hành, tỏi, rượu, thịt bò ướp được hấp thụ vào máu, rồi thải ra ngoài cơ thể qua phổi cũng làm cho hơi thở có mùi hôi. Ăn thịt nhiều dễ hôi miệng vì các chất chuyển hóa từ thịt, mỡ có thể thải qua phổi.
– Thuốc: các thuốc kháng histamin dùng chữa ngứa, chữa dị ứng mũi; các thuốc chữa bệnh tâm thần, thuốc lợi tiểu, nhiều thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm đau… có thể làm khô miệng gây hôi miệng.
– Bệnh liên quan đến răng miệng: nhiễm trùng nướu răng, răng sâu có lỗ hổng, nhiều cao răng, lưỡi bị viêm là nơi mảnh vụn thực phẩm dễ dính lại và là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi.
– Loét thực quản, viêm thực quản, hở tâm vị do các nguyên nhân viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, van dạ dày bị lỏng cũng làm hơi thở có mùi hôi. Bệnh viêm họng hạt, viêm amiđan, viêm xoang mũi, viêm xoang hàm cũng ảnh hưởng đến vùng miệng làm cho hơi thở hôi. Một số bệnh về bộ máy hô hấp như nhiễm trùng phổi mạn tính, ung thư phổi, viêm thanh quản, vật lạ trong mũi cũng tạo ra hơi thở hôi.
– Nhiều khi do bị tiểu đường, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, mang thai, ung thư máu, ung thư vòm miệng, ung thư thực quản và thanh quản làm tổn thương tuyến nước bọt, không tiết đủ nước bọt để rửa sạch miệng, tạo cho vi khuẩn phát triển gây hôi miệng. Người bị suy gan, thận, cũng gây ra mùi hôi ở miệng.
– Bệnh tự miễn dịch gây rối loạn chuyển hóa chất trimethylamine còn gọi là hội chứng hôi mùi cá ươn (fish odor syndrome) toát ra từ miệng và da. Bệnh không chữa được và cần hạn chế ăn thực phẩm có nhiều choline như đậu, trứng, phủ tạng động vật nhằm giảm bớt trimethylamine.
– Nguyên nhân thông thường nhất gây hôi miệng là từ miệng. Bởi vậy, cần để ý nhiều đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Nên chải răng sau khi ăn. Không nhất thiết lúc nào cũng cần dùng thuốc đánh răng, mà chỉ cần chà cho sạch hết thức ăn sót trong miệng, kẽ răng. Khi chải răng, chú ý chải luôn cả lưỡi vì đây cũng là những chỗ thức ăn hay bám vào gây hôi. Hoặc dùng chỉ nha khoa lấy sạch thức ăn mắc kẹt trong khe răng.
– Dùng các thuốc súc miệng có tính sát trùng để súc miệng và họng ngày hai lần. Các chất làm thơm miệng như dầu peppermint hoặc wintergreen chỉ che đậy, làm bớt hôi miệng trong thời gian ngắn, không trị dứt được hôi miệng. Giữ miệng ẩm bằng cách uống đủ nước trong ngày. Nếu mang răng giả thì lấy ra ban đêm, rửa sạch và ngâm trong dung dịch nước sát trùng qua đêm.
Comments[ 0 ]
Post a Comment